Tuyển sinh vào ĐHQG Hà Nội: hơn 70% thí sinh 70/140 điểm
03/06/2015

Tuyển sinh vào ĐHQG Hà Nội: hơn 70% thí sinh 70/140 điểm 

02/06/2015 21:14 GMT+7

TTO - Đây là số liệu thống kê ở cả tám ca thi trong bốn ngày thi tại một số cụm thi tuyển sinh vào ĐHQG HN. 

Trụ sở ĐH Quốc gia Hà Nội - Ảnh: T.L.

Các cụm thi này gồm cụm thi Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, cụm thi tại Trường CĐ Kinh tế tài chính Thái Nguyên, Trường ĐH Hồng Đức - Thanh Hóa, Trường ĐH Vinh và Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng.

Cụ thể, trong tổng số 10.337 thí sinh làm bài thi đánh giá năng lực tại cụm thi này có 72,8% thí sinh đạt từ 70 điểm trở lên (trong tổng số 140 điểm).

Theo quy định đã được ĐHQG Hà Nội công bố trước kỳ thi, thí sinh có điểm bài thi đánh giá năng lực từ mức 70 điểm trở lên sẽ đủ điều kiện để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, khoa trực thuộc ĐHQG Hà Nội (riêng thí sinh thi vào Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội - cần bổ sung điều kiện đạt điểm bài thi ngoại ngữ từ 4/10 điểm trở lên).

Tại các cụm thi này có hai thí sinh đạt điểm cao nhất là 125 điểm, chưa xuất hiện thí sinh đạt điểm tuyệt đối.

Tỉ lệ thí sinh dự thi: gần 96%  

Cuối giờ chiều 2-6, sau khi kết thúc đợt thi tuyển sinh ĐH thứ nhất (từ ngày 30-5 đến 2-6), tại buổi gặp báo chí để thông tin chính thức về kỳ thi tuyển sinh bằng bài thi đánh giá năng lực lần đầu được triển khai đại trà trong tuyển sinh ĐH, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - phó giám đốc ĐHQG Hà Nội - cho biết thí sinh dự thi trong toàn bộ đợt thi tuyển sinh này đạt tỉ lệ rất cao, gần 96% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi vào trường. Đây cũng là tỉ lệ thí sinh đến dự thi tuyển sinh vào ĐHQG Hà Nội cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

“Các thí sinh đã nhập cuộc chủ động, nghiêm túc và thích ứng tốt với hình thức thi trên máy tính. Hình thức thi mới này đã giúp hạn chế tối đa các tiêu cực trong thi cử, thí sinh không trông chờ sự hỗ trợ từ bên ngoài, cũng không có em nào cố ý gây ra những trở ngại dù là nhỏ nhất trong quá trình thi. Không còn cảnh thí sinh mang phao vào phòng thi, vứt phao bừa bãi sau khi thi.  

Số thí sinh phải chuyển ca thi tập trung nhiều tại các cụm thi ở Hà Nội. Tại các cụm thi ở Nghệ An, Đà Nẵng hay Thái Nguyên, số thí sinh chuyển ca thi rất ít. Điều đó chứng tỏ trình độ công nghệ thông tin không phải là trở ngại lớn với các em thí sinh ở vùng sâu vùng xa.

Trong quá trình thi, có một số thí sinh bị kỷ luật, đình chỉ thi do lỗi mang điện thoại vào phòng thi. Hội đồng tuyển sinh đã yêu cầu giám thị kịp thời nhắc nhở thí sinh cần tuân thủ quy chế thi để không xảy ra tình huống tương tự” - ông Sơn nhấn mạnh.

Tại đợt thi này, ĐHQG Hà Nội cũng đã phát 1.500 phiếu điều tra thăm dò phản hồi của thí sinh về kỳ thi, đồng thời mở kênh tiếp nhận ý kiến đóng góp tại website của Trung tâm khảo thí ĐHQG Hà Nội. Theo đánh giá của chính ĐHQG Hà Nội, đa số thí sinh dự thi đều mong muốn lấy kết quả xét tuyển vào các ngành đào tạo của ĐHQG Hà Nội, nhưng cũng có một phần vì tò mò, muốn trải nghiệm hình thức thi mới.

Đề thi sẽ tiến dần đến chuẩn quốc tế

Theo ông Nguyễn Kim Sơn, ĐHQG Hà Nội sẽ cố gắng giữ tính ổn định trong định hướng tổ chức kỳ thi tuyển sinh bằng bài thi đánh giá năng lực. Hiện tại, nội dung đề thi chủ yếu nằm trong chương trình phổ thông với cơ cấu kiến thức trong phần bắt buộc được phân bổ như sau: 10% kiến thức trong chương trình lớp 10; 20% kiến thức trong chương trình lớp 11; 70% kiến thức trong chương trình lớp 12.

Tuy nhiên, trong tương lai có thể ĐHQG Hà Nội sẽ áp dụng tỉ lệ nhất định để đưa những vấn đề trong cuộc sống vào đề thi, sau khi có ý kiến thảo luận, thống nhất của hội đồng chuyên môn.

Trước băn khoăn tại sao ĐHQG Hà Nội lại phân bố điểm đồng đều cho tất cả câu hỏi ở mức 1 điểm/câu, thiếu vắng sự phân loại điểm cho những câu khó - dễ khác nhau, ông Sơn cho biết tuyển sinh ĐH bằng bài thi đánh giá năng lực là một phương thức thi mới, nên sau khi thảo luận, ĐHQG Hà Nội quyết định chọn phương án tính một mức điểm chung cho tất cả câu hỏi, tránh gây tâm lý bất ổn cho thí sinh trước cách tính điểm quá phức tạp. Tuy nhiên, ĐHQG Hà Nội cũng sẽ tiếp tục điều chỉnh để đề thi ngày càng “tinh”, tiến dần đến chuẩn quốc tế.

Theo kế hoạch, ngày 6-6 ĐHQG Hà Nội sẽ công bố dữ liệu điểm thi của toàn bộ 9 cụm thi, 21 điểm thi đặt ở các tỉnh, thành phố. Từ ngày 8-6, các trường, khoa trực thuộc sẽ tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh.

Thí sinh có ba nguyện vọng đăng ký vào các chương trình đào tạo theo thứ tự ưu tiên và được 1 lần rút hồ sơ để nộp vào ngành khác của trường đại học, khoa trực thuộc đã nộp hoặc trường đại học, khoa trực thuộc khác trong ĐHQG Hà Nội. Thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 không được đăng ký xét tuyển đợt 2 năm 2015.

Sau đó, chậm nhất là ngày 29-6, ĐHQG Hà Nội công bố kết quả xét tuyển. Những thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ năm 2014 trở về trước được coi là đã trúng tuyển nếu đạt điểm chuẩn yêu cầu đầu vào của các ngành đào tạo. Thí sinh đạt chuẩn đầu vào nhưng chưa tốt nghiệp thì phải đợi tốt nghiệp THPT mới được xem là chính thức trúng tuyển.

Giấy báo nhập học được gửi trước ngày 25-7 (đợt 1) và trước 1-9 (đợt 2). Thời gian nhập học kéo dài từ 25-8 đến 15-9 tuỳ theo từng đơn vị đào tạo.

Để chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 vào đầu tháng 8, ĐHQG Hà Nội sẽ tiếp tục nhận hồ sơ đăng ký dự thi đợt 2 từ ngày 20-6 đến ngày 10-7.

Các con số thống kê liên quan tới kỳ thi:

Tổng số thí sinh đăng ký dự thi đánh giá năng lực: 45.350

 

 

 

Tổng số thí sinh dự thi đánh giá năng lực có mặt toàn đợt: 43.369

 Tỉ lệ:

95,63

%

Tổng số thí sinh đăng ký dự thi đánh giá năng lực ngoại ngữ: 14.598

 

 

 

Tổng số thí sinh có mặt thi ngoại ngữ: 13.253

 Tỉ lệ:

 90,79

%

Tổng số thí sinh bị đình chỉ thi đánh giá năng lực toàn đợt: 9

 

 

 

Tổng số thí sinh phải chuyển ca thi: 119

 Tỉ lệ:

  0,27

%

 thep NGỌC HÀ (tuoitre.vn)


 
Hotline:

028.3989 3967 - 028.3989 3968

Tư vấn tuyển sinh - TV2

  

Tư vấn tuyển sinh - TV1

  

Thông báo mới
Điểm tin
Top